
Thương hiệu
Thổi một làn gió mới cho kỹ thuật truyền thống 400 năm
Lò nung Hirado Shouzan
- Những năm 1600
- Đồ gốm Mikawachi-yaki
- Nakazato Tsutomu

Lịch sử
Tiếp nối truyền thống từ "ông tổ nghề gốm Mikawachi-yaki"
Đồ gốm sứ Mikawachi-yaki bắt đầu được sản xuất ở Hizen vào những năm 1600.
Người ta nói rằng nghề làm gốm ở Hizen bắt đầu từ khi những người thợ gốm Hàn Quốc được Toyotomi Hideyoshi đưa về trong chiến tranh Nhật - Hàn tiến hành mở các lò nung ở Nagasaki và Saga.
Năm 1622, một trong những thợ gốm tên là Korai Baba đã phát hiện ra đất sét ở Mikawachi, thuộc tỉnh Nagasaki có chất lượng tốt, và đã mở lò nung Nagahayama.
Các sản phẩm làm ra từ lò nung này có chất lượng cao, nên lò gốm này trở thành “lò gốm công” của vùng Hirado và sản phẩm của nó được gọi là “đồ gốm sứ Hirado”.
Năm 1804, sản phẩm gốm sứ của lò được xuất khẩu ra nước ngoài.
Đặc biệt, bộ đĩa tách uống cà phê được tầng lớp hoàng gia và quý tộc châu Âu đánh giá rất cao. Hiện nay, một số sản phẩm vẫn được lưu trữ trong Bảo tàng Anh dưới tên gọi "Old Hirado".
Tại lò nung Hirado Shouzan, chúng tôi đã kế thừa công nghệ sản xuất của những thế hệ đi trước và vẫn áp dụng nó trong sản xuất đến ngày nay.
Ngoài ra, chúng tôi vẫn đang nỗ lực làm việc vì tương lai của gốm Mikawachi-yaki thông qua việc thử nghiệm những sản phẩm mới.

Đặc trưng
Màu xanh lam tinh tế và duyên dáng trên nền sứ trắng tinh khôi
Hầu hết các tác phẩm gốm Mikawachi-yaki đều được vẽ theo phong cách "sometsuke".
Tức là, người thợ dùng cây bút lông đầu mảnh màu xanh lam để thể hiện biểu cảm của con người cũng như sự tươi mát của cây cỏ trên nền gốm màu trắng trong suốt.
Tranh Karako, hoa văn Shonzui, họa tiết Karakusa,… là những kiểu họa tiết truyền thống thường thấy trên sản phảm gốm sứ Mikawachi-yaki; trong đó, đặc trưng nhất là tranh Karako.
Karako là tranh đứa trẻ có kiểu tóc và trang phục theo phong cách Trung Quốc. Vào thời điểm đó, các mặt hàng được nhập từ Trung Quốc đại lục đều là hàng cao cấp, nên sản phẩm có kiểu họa tiết này được xem là những "mặt hàng xa xỉ".
Ngoài ra, số lượng karako được vẽ trong tranh lại thể hiện ý nghĩa khác nhau và được xác định theo cấp bậc. Tranh vẽ 7 karako được gọi là “kenjo karako” dùng để dâng lên Tướng quân Shogun và triều đình; tranh vẽ 5 karako để dành cho giới quý tộc và lãnh chúa phong kiến daimyo, tranh vẽ 3 karako dành cho người dân bình thường.
Kenjo karako là tác phẩm gốm có độ hoàn thiện cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng và tốn kém nguyên vật liệu.
Hiện nay, xưởng gốm của chúng tôi vẫn đang duy trì truyền thống này, đồng thời sáng tạo ra nhiều họa tiết “karako” mới mang phong cách đáng yêu và độc đáo để phù hợp với lối sống hiện đại.

Dành cho khách hàng
Sự hấp dẫn của sản phẩm sứ trắng cao cấp có lịch sử trên 400 năm
Sản phẩm gốm sứ thuộc dòng gốm được phát triển tại “lò gốm công” của vùng Hirado từng được dâng tặng Mạc phủ, triều đình và hoàng gia châu Âu. Một món đồ sứ trắng đẹp đẽ sẽ là thứ khiến bạn thích thú và muốn được sử dụng.
Hình ảnh những đứa trẻ trong bức tranh karako chứa đựng những điều ước về sự thịnh vượng dành cho con cháu, còn họa tiết karakusa mang ý nghĩa coi trọng sự phát triển và các mối quan hệ.
Bên cạnh đó, những hình ảnh karako sáng tạo với vẻ ngoài dễ thương mang hơi hướng hiện đại chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những giây phút thư giãn thoải mái trong cuộc sống hàng ngày.
Hoa văn kissho truyền thống là hình ảnh những con sóng xanh (seigaiha) tinh tế được vẽ bằng bút lông mịn, gợi những suy ngẫm về lòng biết ơn với đại dương rộng lớn và nguyện cầu cho sự trường tồn của hạnh phúc.
Cuối cùng, chúng tôi muốn giới thiệu họa tiết con voi, mang đến một thế giới quan độc đáo.
Con voi đầu tiên đến Nhật Bản nhờ tàu Tosen (tàu giao thương với nhà Đường ở Trung Quốc) trong thời kỳ Edo đã cập cảng ở Nagasaki.
Có lẽ vì thế mà con voi tạo cảm giác quen thuộc với tất cả chúng ta.
Người ta nói rằng voi là loài vật linh thiêng và là biểu tượng của hạnh phúc.
Tóm lại là, tất cả các mẫu họa tiết này đều rất phù hợp để làm món quà chúc mừng quý giá cho người thân và bạn bè.
Giải thưởng
Năm 2003 Triển lãm đồ gốm sứ Yamaguchi, Kyushu, giải thưởng “Flowing Water Bowl”
Năm 2013 Được Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công nhận là nghệ nhân thủ công truyền thống
Năm 2018 “Kỹ thuật Hirado sometsuke” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nagasaki